NDĐT - Sáng 22-11, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh tổ chức mít-tinh kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23-11-1946 – 23-11-2016) và tuyên dương điển hình “hoa việc thiện” cấp thành phố năm 2016. Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự lễ.
Trưởng thành trong một thành phố năng động, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh luôn năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động, là đơn vị tiên phong trong công tác nhân đạo. Được Hội đồng thi đua khen thưởng T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đánh giá đạt những cái nhất rất ấn tượng, như: Thành lập phòng khám bệnh của Chữ thập đỏ đầu tiên (năm 1984), đến nay đã phát triển được 48 phòng khám bệnh đông - tây y; vật lý trị liệu tại các quận, huyện góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân, tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Năm 1994, thành lập Phòng vận động hiến máu nhân đạo. Đến năm 1999 “nâng cấp” thành Trung tâm hiến máu nhân đạo trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố. Số lượng người tham gia hiến máu năm sau luôn cao hơn năm trước. Tổng số đơn vị máu tiếp nhận hằng năm luôn cao nhất cả nước (chiếm khoảng 17% tổng lượng máu của toàn quốc).
Bên cạnh đó, các hội còn tiên phong thực hiện chương trình “Bữa cơm người già”; “Bữa cơm tình thương” tại địa bàn dân cư; “Bữa cơm, suất cháo nhân ái” tặng người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện; vận động tặng xe lăn hỗ trợ người khuyết tật và quỹ trợ giúp nhân đạo đến nạn nhân chất độc da cam …
Đến nay, tổng giá trị các lĩnh vực công tác của Hội Chữ thập đỏ giai đoạn 2011 - 2016 đã thực hiện được đạt 1.463,773 tỷ đồng, tăng 124% so với nhiệm kỳ trước, trợ giúp 1,2 - 1,4 triệu lượt người/năm.
Thực hiện nhiệm vụ quốc tế, hội đã tổ chức các đoàn công tác xã hội thăm, khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà đến nhân dân, Việt kiều có hoàn cảnh khó khăn tại Vương quốc Campuchia (từ năm 2006 đến nay được 11 lần) và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (năm 2008). Quyên góp giúp đỡ nạn nhân bị thiệt hại do thiên tai tại các nước: Cuba, Mỹ, Trung Quốc, Myanmar, Nhật Bản, Philippine, Indonesia, Camphuchia… Các hoạt động đó đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam với các nước làng giềng.
Thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trong năm 2016, nhiều cá nhân điển hình với tấm lòng nhân ái đã dành thời gian, tiền bạc, công sức của mình để chăm lo người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, người gặp hỏa hoạn thiên tai. Qua đây, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh tuyên dương 70 điển hình “hoa việc thiện”.
70 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, lịch sử phát triển của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân ái, nhân đạo, nhân văn cao cả của dân tộc với lịch sử phát triển của một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó với lợi ích dân tộc, hòa đồng với cuộc sống của nhân dân, đã hun đúc lên những truyền thống vẻ vang, đó là: truyền thống cống hiến, hy sinh hết mình vì những người nghèo, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm họa, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em lang thang và những người dễ bị tổn thương khác trong xã hội; truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái và nhân đạo cao cả; truyền thống sáng tạo, có ý chí vượt khó, dám nghĩ, dám làm theo lời Bác Hồ từng căn dặn: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể để giảm bớt đau thương cho họ”.
MINH HẠNH - MẠNH HOÀI/ Báo Nhân Dân