Karl Landsteiner có thể không phải cái tên quen thuộc nhưng phát hiện của ông góp phần cứu sống hàng triệu người, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ngành Y.
Ngày 14/6, truy cập Google, người dùng mạng thấy hình ảnh bác sĩ với những ký tự O, A, B, AB kèm biểu tượng hình tròn màu đỏ, cùng thông tin sinh nhật thứ 148 của Karl Landsteiner.
Không ít người thắc mắc Karl Landsteiner là ai?
Karl Landsteiner (1868 - 1943) là nhà sinh học, bác sĩ nổi tiếng mang hai quốc tịch Áo và Mỹ. Ông nổi danh trong giới khoa học với vai trò người phát hiện các nhóm máu chính, đồng thời được mệnh danh "Cha đẻ ngành miễn dịch học", theo Encyclopedia.
Landsteiner sinh ngày 14/6/1968 ở thành phố Vienna, Áo. Bố ông là Leopold Landsteiner - một nhà báo danh tiếng.
Lên 6 tuổi, Karl Landsteiner mồ côi bố, lớn lên cùng mẹ, bà Fanny Hess Landsteiner.
Năm 1885, sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học ngành Y tại Đại học Vienna và nhận bằng tiến sĩ y khoa năm 1891. Ngay từ thời sinh viên, Landsteiner đã bắt đầu thực hiện các nghiên cứu hóa sinh và công bố công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của chế độ ăn lên thành phần máu vào năm tốt nghiệp, theo Nobelprize.org.
Karl Landsteiner dành phần lớn thời gian trong phòng thí nghiệm và cống hiến suốt đời cho khoa học. Ảnh: Biography.
Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển sang nghiên cứu hóa học tại các phòng thí nghiệm dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học đương thời nổi tiếng như Emil Fischer - người giành giải Nobel Hóa học năm 1902, E. Bamberger - nhà hóa học người Đức.
Sở hữu thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc nhưng thời gian đầu, Karl Landsteiner không thể tìm kiếm công việc tại các phòng nghiên cứu đúng ý nguyện. Ít ai biết rằng, trong những ngày tháng khó khăn đó, nhà khoa học lỗi lạc này phải kiếm sống bằng nghề mổ xác trong nhà xác.
Dù bận rộn với công việc, Karl Landsteiner luôn cố gắng dành thời gian để thực hiện các nghiên cứu khoa học.
Sau khi trở lại quê hương, ông nghiên cứu y học tại Bệnh viện Đa khoa Vienna. Năm 1896, Landsteiner làm phụ tá cho Max von Gruber tại Viện Vệ sinh Vienna.
Trong thời gian này, nhà khoa học trẻ bắt đầu hứng thú với cơ chế miễn dịch và bản chất của kháng thể. Ông cộng tác với các giáo sư y khoa đầu ngành. Các nghiên cứu của Landsteiner thiên về bệnh lý học hơn là giải phẫu học bệnh lý dù phương pháp này khiến ông bị nhiều người chỉ trích.
Sau đó, A. Weichselbaum - nhà khoa học phát hiện bệnh viêm màng não, đồng thời là người duy nhất ủng hộ hướng nghiên cứu của Landsteiner, bổ nhiệm ông làm trợ lý giải phẫu tại Wilhelminaspital.
Năm 1911, Karl Landsteiner trở thành giáo sư ngành Giải phẫu học bệnh lý tại Đại học Vienna nhưng không nhận được mức lương xứng đáng.
Đến năm 1919, sau hơn 20 năm nghiên cứu, Landsteiner cùng các cộng sự công bố hàng loạt nghiên cứu về giải phẫu bệnh lý và miễn dịch học.
Những phát hiện của ông về tính miễn dịch của bệnh giang mai, virus viêm tủy xám góp phần lớn vào tiến bộ y học.
Tuy nhiên, cống hiến lớn nhất của Karl Landsteiner cho nhân loại là sự phát hiện các nhóm máu chính.
Năm 1900, ông bắt đầu để ý tính kết dính giữa máu của hai người. Một năm sau, cựu sinh viên Đại học Vienna phát hiện 3 nhóm máu A, B, O (ban đầu, ông gọi nó là C). Sau này, hai cộng sự của ông phát hiện thêm nhóm máu AB.
Ông cũng nhận thấy việc truyền máu giữa những người có cùng nhóm máu không phá hủy tế bào hồng cầu.
Nhờ phát hiện của Karl Landsteiner, năm 1907, Reuben Ottenberg thực hiện thành công ca truyền máu đầu tiên trên thế giới tại bệnh viện Mount Sinai ở New York.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, kinh tế nước Áo đình trệ. Để đảm bảo điều kiện tài chính cho các nghiên cứu khoa học, Landsteiner chuyển đến Hà Lan, nhận công việc trợ lý giải phẫu tại bệnh viện St. Joannes de Deo ở thành phố The Hague.
Năm 1922, ông nhận lời mời từ Viện Rockefeller ở New York. Một năm sau, ông cùng gia đình chuyển đến Mỹ, tiếp tục nghiên cứu về sự miễn dịch và chứng dị ứng. Thời gian này, ông và cộng sự phát hiện yếu tố Rh trong máu.
Năm 1930, Karl Landsteiner nhận giải Nobel vì những cống hiến của ông trong lĩnh vực Sinh lý và Y học
Theo zing.vn