Làm thế nào để bệnh nhân không bị lây bệnh khi truyền máu?
Tất cả các chế phẩm máu đều được xét nghiệm nhằm loại bỏ các chế phẩm mang tác nhân lây qua đường máu.
Tại Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học, việc xét nghiệm giúp phát hiện các tác nhân sau đây:
- - - - - - | Virus (siêu vi) gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV 1, 2) Virus gây viêm gan siêu vi B (HBV) Virus gây viêm gan siêu vi C (HCV) Virus gây nhiễm tế bào bạch cầu lympho T ở người (HTLV – 1) Vi khuẩn giang mai Ký sinh trùng sốt rét |
Các phương pháp nào được sử dụng để phát hiện các tác nhân lây truyền qua đường máu?
Kỹ thuật huyết thanh (ELISA, hóa phát quang, điện hóa phát quang) phát hiện kháng nguyên và/hoặc kháng thể của HIV, HBV, HCV, HTLV-1, giang mai, sốt rét.
Kỹ thuật khuếch đại acid nucleic (NAT – Nucleic Acid Amplification Testing) phát hiện chất liệu di truyền (DNA hoặc RNA) của HIV, HBV, HCV.
Áp dụng kỹ thuật NAT trong sàng lọc máu mang lại lợi ích gì?
Kỹ thuật NAT là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới trong sàng lọc máu. Ưu điểm của kỹ thuật NAT so với kỹ thuật huyết thanh là:
- - -
| Phát hiện trực tiếp chất liệu di truyền của virus Có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn Giúp phát hiện sớm virus trong giai đoạn cửa sổ (thời kỳ mới nhiễm virus, cơ thể chưa kịp sinh ra kháng thể hoặc lượng kháng thể còn ít nên không phát hiện được bằng kỹ thuật huyết thanh) |
Thời điểm phát hiện virus sau khi nhiễm bằng kỹ thuật huyết thanh | Thời điểm phát hiện virus sau khi nhiễm bằng NAT | Số ngày rút ngắn giai đoạn cửa sổ nhờ NAT | |
HIV | Ngày thứ 21 | Ngày thứ 10 | 11 |
HBV | Ngày thứ 59 | Ngày thứ 34 | 25 |
HCV | Ngày thứ 82 | Ngày thứ 23 | 59 |
NAT giúp phát hiện HIV, HBV, HCV ở giai đoạn sớm sau khi nhiễm hơn so với kỹ thuật huyết thanh (Wiedmann và cộng sự, 2007).
NAT đã được áp dụng ở Việt Nam chưa?
Theo thông tư số 26/2013/TT-BYT, việc đưa vào ứng dụng kỹ thuật NAT trong xét nghiệm HIV, HBV và HCV cho các đơn vị máu hiến được thực hiện theo lộ trình tại các cơ sở truyền máu trên toàn quốc từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học là cơ sở đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công kỹ thuật NAT trong sàng lọc HIV, HBV và HCV vào tháng 02/2014. Tính đến thời điểm tháng 05/2015, Viện Huyết Học Truyền Máu Trung Ương (Hà Nội) và Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học (TP Hồ Chí Minh) là hai cơ sở y tế tại Việt Nam áp dụng kỹ thuật NAT thường quy trong sàng lọc máu.
Kỹ thuật NAT có thay thế cho các kỹ thuật huyết thanh được sử dụng trước đó không?
Kỹ thuật NAT không thay thế cho các kỹ thuật huyết thanh. Với ưu tiên hàng đầu là an toàn cho bệnh nhân, bất cứ chế phẩm máu nào được phát hiện có nhiễm các tác nhân lây truyền qua đường máu bằng kỹ thuật huyết thanh và/hoặc kỹ thuật NAT đều được loại bỏ. Như vậy, việc kết hợp kỹ thuật NAT và kỹ thuật huyết thanh sẽ giúp các chế phẩm máu an toàn hơn, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, HBV và HCV.
Trong một số điều kiện không được sàng lọc NAT, các chế phẩm máu được xét nghiệm bằng kỹ thuật gì?
Một số trường hợp đặc biệt như tại các cơ sở y tế chưa có điều kiện triển khai kỹ thuật NAT hoặc trong các trường hợp khẩn cấp không thể chờ kết quả xét nghiệm NAT, các chế phẩm máu được xét nghiệm bằng các kỹ thuật huyết thanh (ELISA, hóa phát quang, điện hóa phát quang) có độ nhạy cao trên 99,9%. Do đó, dù chỉ được sàng lọc bằng kỹ thuật huyết thanh, các chế phẩm máu vẫn rất an toàn cho người sử dụng.
ThS.BS. Hoàng Thị Tuệ Ngọc/Theo bthh.org.vn