Đôi vợ chồng già hơn 75 lần hiến máu cứu người

Đó là vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiệp sinh năm 1958 tại huyện Bình Chánh TP.HCM, người ta thường gọi ông với cái tên thân mật chú Ba Đực Nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Hiệp và bà Nguyễn Thị Kha.

Sau khi lập gia đình với bà Nguyễn Thị Kha ông sinh được ba người con gái, hiện nay các con gái ông đã lớn và lập gia đình.

Ông bà sống chủ yếu bằng nghề làm vườn, với hơn 7 công đất trồng các loại rau quả cung cấp cho huyện Bình Chánh và TP.HCM.

Hết bệnh, sức khỏe ổn định nhờ hiến máu định kì

Năm 1994 sau khi nghe thông tin hiến máu trên đài, Bà Kha đến trung tâm hiến máu nhân đạo 201 Nguyễn Thị Minh Khai quận 1 để hiến máu. Lần ấy ông Ba nhất quyết không cho vợ đi, vì ông nghĩ máu me không tốt, “ăn bao nhiêu mới được giọt máu mà lại đi cho người khác”.

Tuy nhiên sau khi được vợ thuyết phục, ông không những đồng ý cho vợ đi, mà bản thân ông cũng tham gia hiến máu.

Ban đầu khi bác sĩ lấy máu vào túi, ông còn lo lắng và hỏi bác sĩ liệu máu của ông truyền cho người khác, người ta có bị bệnh không, có chết không?

Sau khi được bác sĩ giải thích số lượng máu trong bịch sẽ được mang đi xét nghiệm, nếu không có vấn đề gì mới được sử dụng truyền cho người khác thì ông nhẹ nhõm an tâm nói chuyện với mọi người.

Cho máu được vài lần thì cơ thể ông dần ổn định và quen với định kì thay máu. Một năm ông Hiệp hiến máu 4 đến 5 lần.

Bà Kha chia sẻ: “Chính vì thay máu mà ông ấy khỏe tới giờ, trước đây ông ấy bị tai biến tưởng chết, bác sĩ có bảo nếu muốn qua thì bắt buộc phải thay máu. Sau đợt tai biến ông ấy cứ đều đặn thay máu mà khỏe, không thấy bệnh tật tới giờ.”

Vợ ông Hiệp cho biết bà cũng đã có tới 23 lần hiến máu. Trước đây bà là người đầu tiên trong gia đình tham gia, sau đó bà vận động chồng, các con gái cùng đi.

Một thời gian bà bị u bướu nên tạm nghỉ để chữa bệnh. Bệnh khỏi bà tiếp tục hiến máu. Qua nhiều lần hiến máu các triệu chứng đau đầu của bà trước đây dần mất, sức khỏe tốt hơn, bệnh u bướu cũng hết không còn tái phát nữa.

Con gái bà làm công nhân mỗi lần đi hiến máu thường được mọi người ưu tiên trước để xong sớm còn về kịp thời gian đi làm.



Tấm thẻ hiến máu của bà Kha.

Hiến máu bất kể ngày đêm

Trước đây khi còn trẻ ông Hiệp cùng 12 người khác tham gia đội tình nguyện hiến máu cứu người của xã Bình Chánh.

Ông kể có nhưng lúc nửa đêm người ta bị tai nạn mất máu quá nhiều, trạm xá không đủ máu phù hợp nên bên hội tình nguyện gọi điện, đang ngủ ông bật dậy tức tốc tới nơi.

Có những hôm ông bà qua bệnh viện thấy người ta mổ tim, người nhà thì nhiều mà không ai có nhóm cùng với người bệnh.

Ông nói những lúc như vậy chỉ muốn bác sĩ nhanh lấy máu mình truyền cho người ta. Chứ để họ như vậy ông bà nóng ruột.

“Mỗi lần hiến máu bình thường theo đợt đã thấy vui rồi nhưng ấn tượng nhất là những tình huống đột xuất. Giúp được họ ngay lúc họ cần, cảm giác những lúc như vậy vui không gì diễn tả được” - ông Hiệp nói.

Nhớ lại khoảng thời gian 2005 ông lắc đầu bảo, thời ấy thông tin chậm lắm không được như bây giờ, muốn cho máu cũng khó.

Thời nay điện thoại di động phổ biến, người hai ba cái, gọi cái là chạy tới liền. Hồi trước thông tin liên lạc chỉ có bộ đàm tới bưu điện xã.

Có những hôm nhận được thông tin phải mất 1 đến 2 tiếng. Ông chạy không kịp nên áy náy khó chịu, nhưng ông bảo vẫn may có nhiều người họ nhiệt tình giúp đỡ cho máu bệnh nhân.

Với nhóm máu O, ông Hiệp giúp được rất nhiều người.

Anh Thanh chủ tịch hội chữ thập đỏ Xã Bình Chánh cho biết hiện nay vợ chồng ông Hiệp có số lần hiến máu nhiều nhất xã với hơn 75 lần và  theo quy định năm sau ông Hiệp sẽ hết tuổi hiến máu. 

Dù sang năm, bước qua tuổi 60 sẽ không được hiến máu nữa nhưng ông Hiệp cho biết chừng nào còn sức khỏe có thể hiến máu cứu người thì ông và bà vẫn muốn làm.