Hành trình tìm kiếm nhóm máu hiếm tình nguyện tại Việt Nam

Khởi đầu cho chiến dịch Quốc gia “Hành trình Đỏ” lần thứ IV năm 2016 đi qua 27 tỉnh thành trên khắp mọi miền đất nước là buổi tọa đàm “Sinh viên với phong trào hiến máu tình nguyện và nhóm máu hiếm Việt Nam” nhằm nghĩa của cao đẹp của phong trào hiến máu nhân đạo và kiến thức về nhóm máu hiếm.

Ngày 25/6, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Quỹ hỗ trợ từ thiện CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhân ái Vòng tay Việt và Trường Đại học Công đã tổ chức buổi tọa đàm “Sinh viên với phong trào hiến máu tình nguyện và nhóm máu hiếm Việt Nam”.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của Bác sĩ Ngô Tấn Gia Phú – Chủ nhiệm CLB máu hiếm khu vực Đông Nam Bộ, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, Ca sĩ - Nhạc sĩ Sỹ Luân, và đặc biệt là sự hiện diện của diễn viên Lan Phương và chị Nguyễn Hữu Chi Oanh – những đại sứ chiến dịch Quốc gia Hành trình Đỏ mang trong mình nhóm máu hiếm cùng hơn 400 bạn sinh.

Là đại sứ của chiến dịch “Hành trình đỏ” lần IV/2016, đại sứ đặc biệt của Diễn đàn nhóm máu hiếm Việt Nam, diễn viên Lan Phương, người cũng mang trong mình nhóm máu hiếm (Rh-) chia sẻ những thông tin hữu ích, gắn kết cộng đồng người có nhóm máu hiếm tại Việt Nam. Diễn viên Lan Phương kêu gọi: “Tôi hi vọng có thể kêu gọi được thật nhiều người đến hiến máu. Đặc biệt, tôi muốn kết nối những người có nhóm máu hiếm lại, để có thể hỗ trợ nhau khi cần. Bởi vì, chỉ có những người có nhóm máu hiếm mới hỗ trợ được nhau, ngoài ra thì không ai có thể hỗ trợ được”.

Ban tổ chức Hành trình đỏ và các đại sư tại buổi tọa đàm
Ban tổ chức "Hành trình đỏ" và các đại sư tại buổi tọa đàm

“Bạn sẽ rất vui khi biết được rằng việc làm đơn giản này có thể cứu được rất nhiều người. Chỉ việc nằm lên giường bệnh để bác sĩ lấy máu, thời gian này chưa đầy 1 tiếng kể luôn việc bạn lái xe từ nhà đến nơi hiến máu, là bạn đã có thể cứu được người khác”, diễn viên Lan Phương cho biết.

Bác sĩ Ngô Tấn Gia Phú cho biết, trong số hàng trăm nghìn mẫu máu tại Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương nhưng có rất ít mẫu xét nghiệm thuộc nhóm máu hiếm (Rh-), điều đáng lo ngại là lượng dự trữ loại máu này lại rất hiếm hoi. Do đó, người thuộc nhóm máu hiếm nên tham gia các câu lạc bộ máu hiếm để giúp đỡ lẫn nhau lúc cần thiết và bản thân cần biết cơ thể thuộc nhóm máu gì để hỗ trợ bác sĩ chủ động trong những trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

Bà Lê Nhật Thùy, Chủ tịch Qũy hỗ trợ từ thiện CP Việt Nam nhìn nhận: “Phong trào hiến máu ở Việt Nam đang rất tốt, phát huy được nhiều tầng lớp tham gia nhưng cần hướng đến việc làm sao để phát huy trong toàn thể người dân đi hiến máu tự nhiên.

Trước năm 1994, cả nước tiếp nhận được khoảng 100 nghìn đơn vị máu, 100% là hiến máu chuyên nghiệp (có nhận tiền bồi dưỡng) nhưng đến năm 2015, cả nước đã tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu (sau quy đổi), tỷ lệ hiến máu tình nguyện (không nhận tiền bồi dưỡng) là 97%. Như vậy, chỉ trong khoảng 20 năm, tỷ lệ hiến máu tình nguyện ở nước ta đã tiến sát mục tiêu chung của toàn cầu: đến năm 2020, tỷ lệ hiến máu tình nguyện tại các quốc gia đạt 100%.

Theo thống kê của Viện huyết học truyền máu TW, có đến 90% lượng máu được tiếp nhận đến từ các bạn trẻ, trong đó đa phần đến từ lực lượng thanh niên mà sinh viên là nòng cốt.

Hiện ở Việt Nam có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (hoặc O+ hoặc B+ hoặc A+ hoặc AB+, xếp theo tỷ lệ giảm dần) nhưng chỉ có 0,04%- 0,07% số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O- hoặc B- hoặc A- hoặc AB-). Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% gọi là nhóm máu rất hiếm. Như vậy, những người có nhóm máu Rh- ở nước ta thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm (trong 10.000 người mới có 4-7 người mang nhóm máu Rh-).

Trung Kiên/ Báo Dân Trí